User story - Câu chuyện người dùng

“User story” (Câu chuyện người dùng) là một mô tả ngắn gọn, dễ hiểu về chức năng, yêu cầu… cho một sản phẩm. Nó thường được viết trên giấy ghi nhớ và đính lên tường, trên bảng…để mọi người cùng thảo luận về vấn đề nêu ra trong đó. Ở đây, việc “thảo luận” mới là quan trọng nhưng chính “user story” là chất xúc tác cần thiết để tạo ra hành động này.

Tuy được dùng trong lĩnh vực phát triển phần mềm và quản lý sản phẩm nhưng “user story” có thể áp dụng trong nhiều hoàn cảnh, lĩnh vực khác nhau. Bài viết này là cái nhìn cơ bản nhất về “user story”.

Khi tạo ra một sản phẩm (software, website, mobile app, game…), chúng ta hoặc khách hàng đều muốn có thật nhiều chức năng, thật nhiều điểm độc đáo, thỏa mãn nhiều đối tượng người dùng. Từ đó chúng ta sẽ có một danh sách dài các yêu cầu. Tuy nhiên, tham gia vào quá trình phát triển dự án là rất nhiều bên: khách hàng, người quản lý sản phẩm, đội ngũ phát triển, thiết kế… mà ngôn ngữ chuyên ngành của mỗi bên lại khác nhau. Vậy làm sao để mọi người có thể hiểu một cách trực quan nhất? Hoặc khi phát triển, ta muốn lường trước được tất cả các trường hợp người dùng sẽ gặp phải. Hoặc khi thiết kế UX, ta muốn giả định các tình huống người dùng sẽ tương tác với sản phẩm.

Đối với dự án quy mô vừa phải, không quy định các yêu cầu phải tài liệu hóa hoàn toàn hoặc trong quá trình phát triển phần mềm linh hoạt, để giải quyết các vấn đề trên, “user story” là một trong những cách nhanh chóng và dễ dàng, giúp ta phân tích yêu cầu, thuận lợi nghĩ ra nhiều giải pháp và ý tưởng sáng tạo.

Bằng ngôn ngữ bình thường, đơn giản nhất, đứng từ góc độ của người dùng cuối (end-user) hoặc khách hàng, ta sẽ viết lên giấy theo mẫu câu sau:

► "As a <role>, in this <context>, I want <goal/desire> so that <benefit>"

Who → Where (When) → What → Why

►“Là một <vai>, trong <trường hợp> này, tôi muốn <làm gì đó> để <đạt được>”

Ai → Ở đâu (Khi nào) → Làm gì → Tại sao

Ví dụ đơn giản:

“Là một <người mua>, khi <chọn sản phẩm> ở <website thương mại điện tử>, tôi muốn <có nhiều thông tin chi tiết, đánh giá, xếp hạng> để <giúp tôi yên tâm và dễ dàng quyết định>.”

» Dựa vào yêu cầu ở phần “tôi muốn…” các giải pháp sẽ được bàn tới:

- “có nhiều thông tin chi tiết” → tạo nhiều trường cung cấp thông tin chi tiết về chất liệu, kiểu dáng, chức năng… Cái này không những giúp khách hàng mà còn giúp SEO (Google thích mô tả chi tiết)

- “đánh giá, xếp hạng” → thêm phần bình luận, thêm chức năng xếp hạng bằng sao hoặc bằng số… Tăng tính thuyết phục, giúp quảng bá sản phẩm, tiếp thu những phản hồi để cải thiện chất lượng…

Có rất nhiều mẫu câu khi viết “user story” nhưng đa phần chúng có nội dung và ý nghĩa tương tự nhau khi trả lời cho các câu hỏi “Ai” (who), “Làm gì” (What), “Tại sao” (Why).

Như vậy, “user story” cho chúng ta cái nhìn đa chiều, phần nào định hình rõ hơn những chức năng của sản phẩm thông qua mong muốn của khách hàng và người dùng hoặc giúp ta hiểu thấu đáo một vấn đề nào đó. Với lĩnh vực sáng tạo, khi ta từ bỏ lối tư duy đã có sẵn, đặt mình vào vị trí của người khác, hoàn cảnh khác, thay đổi góc nhìn, ta sẽ phát hiện ra rất nhiều ý tưởng độc đáo, mới mẻ.

“User story” thật sự là một trong những cách tiếp cận vấn đề vừa đơn giản, vừa tiện gọn mà lại vô cùng hiệu quả.

No comments :

Post a Comment

Chỉ cần bạn ở đây là đủ rồi! (•ˇ‿ˇ•)