(Bạn có thể đọc thêm một số thông tin về Minekura tại đây)
Trong bài phỏng vấn này, Minekura-sensei sẽ chia sẻ những trải nghiệm của mình khi mới bắt đầu trở thành mangaka, sau đó là những lời khuyên bổ ích cho những ai đang muốn tiến bước trên con đường đầy đam mê nhưng cũng lắm chông gai này.
1. Điều gì khiến sensei muốn trở thành mangaka?
[Minekura]: Từ bé tôi đã thích vẽ. Lúc đó, tình cờ có một họa sỹ minh họa mở lớp dạy vẽ ngay gần nhà, thế là tôi tham gia từ năm cuối mẫu giáo đến khi học lớp 6. Tôi được học khá nhiều môn như: vẽ ký họa, sơn dầu… nhưng nói thật là tôi học rất qua loa vì ngay từ đầu, giáo viên đã đưa ra phương châm: “Em không cần phải vẽ đẹp, cứ vẽ những gì em thích.” Tôi toàn vẽ những thứ bắt mắt, nhưng điều đó quả là rất thú vị.
Tôi thích vẽ nhưng hiểu rằng tranh mình “không ổn”… Đến mức, khi học cấp I tôi đã cho rằng “Mình không thể nào trở thành mangaka!” và đã thấy hơi hơi thất vọng (cười).
Ngay cả như thế, tôi vẫn mơ ước được làm việc trong lĩnh vực liên quan đến “sáng tạo”. Tôi nghĩ: “Nếu mình không thể vẽ, sao không thử viết!” và khi học cấp II, tôi ôm mộng trở thành tiểu thuyết gia. Nhưng một học sinh trung học cơ sở thiếu nhiều kinh nghiệm sống thì có gì để viết?! Tôi đọc truyện của các tác giả (người lớn) đã đoạt giải trên tạp chí và nghĩ “Mình không thể viết giống thế này được!” Điều đó là đương nhiên. Cuối cùng, trong khoảng đầu năm lớp 9, một ý nghĩ rất chán nản nữa xuất hiện: “Có lẽ mình cũng chưa thể viết tiểu thuyết…” Và tôi nhận ra tất cả mình thiếu không gì hơn là “sự trải nghiệm”. Biết vậy, nhưng tôi vẫn muốn “sáng tạo”, cái gì cũng được, manga hay tiểu thuyết, báo ảnh hay thậm chí cả khiêu vũ.
Ngay khi vào cấp III, điều đầu tiên tôi làm là thành lập câu lạc bộ manga và chiêu mộ những bạn muốn-trở-thành-mangaka. Chỉ có đúng hai người xuất hiện. Vậy là tôi ép mấy bạn không biết vẽ tham gia và bịa ra phần còn lại.
Trong lúc đó, tôi cũng là thành viên của câu lạc bộ sân khấu. Tôi tham gia vì muốn làm công việc hậu trường, nhưng họ chẳng cần và giáo viên cố vấn nói: “Kịch bản và đạo diễn không phải là những thứ học sinh làm”, thế là tôi bỏ. Tôi cũng thích báo ảnh nhưng thậm chí còn không có cả phòng lab. Tuy nhiên, vào năm học rồi, tôi mải chơi và chẳng vẽ vời gì mấy (cười lớn). Ý tôi là, bạn vào cấp III, đột nhiên, thế giới trở nên rộng lớn hơn, thú vị hơn. Quên manga đi, tôi thậm chí còn bùng học và chuồn đi lang thang. Cả năm đầu của tôi diễn ra lười biếng như vậy đấy.
Năm thứ hai có thêm bốn học sinh tham gia câu lạc bộ. Tôi rất bất ngờ vì họ vẽ khá tốt. “Chết thật, mình phải nghiêm túc vẽ một ít manga mới được!”, ý nghĩ đó giống như “Mình không thể thua!” Nhân tiện nói luôn, đến lúc đó, tôi chưa vẽ một manga tử tế nào hết…(cười). Tôi muốn viết kịch bản phân cảnh và vẽ, nhưng “… Thế, vẽ manga là vẽ kiểu gì?” Tôi chẳng có khái niệm gì về chuyện đó. Tuy nhiên, là sếp và thuộc hàng lão làng của câu lạc bộ, tôi không thể hiên ngang mà rằng “Tớ cũng không biết!”. Vậy là tôi đi copy… từng chút một, vẽ hình manga cho tạp chí của câu lạc bộ.
Khi bắt tay vào vẽ, tôi lại thấy mình yêu thích nó hơn. Đó quả là một sự kết hợp sáng tạo. Bạn xây dựng câu chuyện, bạn vẽ (người, vật, từ rất nhiều góc độ), bạn đạo diễn (bao gồm công việc của camera)… “À, hóa ra đây là thứ mình muốn. Nó thực sự khá khó nhằn nhưng chắc chắn mình muốn làm việc này.” Dù vẫn chưa có một manga ra hồn (cười) nhưng tôi quyết định mình không được do dự thêm nữa.
Lúc này cũng phải nói tới chuyện tương lai sau tốt nghiệp. Không chỉ ở trường mà bố mẹ cũng bắt đầu hỏi: “Thế con định thế nào?” Tôi chẳng muốn đi làm ngay nhưng lực học không đủ để vào đại học. Thực ra tôi còn không biết là mình có thể tốt nghiệp được hay không. Tôi không phải là người hư hỏng khét tiếng nhưng lại là một đứa ngốc nghếch siêu hạng.
Tất nhiên, bố mẹ không đời nào đồng ý khi một đứa chẳng có tí kinh nghiệm tuyên bố “Con sẽ trở thành mangaka”. Tôi định theo lời của vài người bạn “vào học ở những trường thiết kế sau khi tốt nghiệp”. Để có được sự đồng ý, tôi phải thể hiện được “Con đang cố gắng hết mình cho tương lai”. Vậy là tôi hốt hoảng, liền vẽ ngay một truyện, rồi nó được đăng trên tạp chí, đó là “BROTHER”.
2. Vậy gửi truyện dự thi cũng là một phần trong quá trình tìm việc?
[Minekura]: À, khi đó, tôi chỉ có những bức vẽ trong sổ tay và một manga dài 8 trang trên tạp chí câu lạc bộ nên đây là manga đầu tiên tôi hoàn thành… Thực sự tôi không hề biết vẽ manga thế nào. Ngay cả khi đã đi làm part-time, tôi cũng tiêu sạch tiền lương vào mua CD (lúc đó tôi khá nghiện âm nhạc), nên khi vẽ thì chẳng còn đồng nào để mua giấy tone. “Ôi dào, không dùng tone thì cũng có chết đâu!”, tôi nghĩ vậy và kết quả là dùng bút mực đen nét mảnh. Thật không thể tin được (cười).
Vậy mà cuối cùng tôi cũng được giải, biên tập viên còn tặng thêm: “Lần sau, làm ơn sử dụng tone.” Giờ nghĩ lại mới thấy, Comic GENKi thật tuyệt vời khi không những cho đăng tác phẩm chất lượng thấp như vậy mà còn tặng tôi tiền (cười). Rồi khi nhà xuất bản hỏi “Bạn muốn giật giải lần nữa không?”, tôi liền vẽ “Saiyuki” và được giải tiếp. Sau đó, tôi vẽ vài one-shot của “BROTHER” cho Comic GENKi và nhận được một số việc từ công ty xuất bản Tokuma Shoten… Trước khi kịp nhận ra, tôi đã tốt nghiệp xong khóa học một năm tại trường cao đẳng.
Trong khoảng thời gian đó, nhận thấy manga của mình tệ đến mức phát khóc, tôi liền quyết tâm “Được rồi, phải luyện tập!”. Một ngày nọ, tôi nảy ra sáng kiến và bắt đầu vẽ doujinshi. Tôi trời sinh vốn sẵn tính lười, nếu không dồn mình vào đường cùng thì không thể nên chuyện. Nói gì thì nói, một khi phải bỏ tiền ra để tham gia sự kiện, bạn chẳng thể làm gì khác ngoài vẽ (cười). Từ đó, tôi bắt đầu vẽ “Saiyuki”, “WILD ADAPTER” và “BUS GAMER”. Một thành viên trong ban biên tập của G-Fantasy tới gặp khi tôi đang bán doujinshi tại sự kiện. Thế là tôi vẽ một one-shot “Saiyuki” cho G-Fantasy… Truyện được chính thức đăng dài kỳ 6 tháng sau đó.
3. Sensei đã học được những kỹ năng vẽ manga tại trường cao đẳng?
[Minekura]: Ồ, không hề… Tôi học chuyên ngành minh họa tại cao đẳng. Đó là khóa học dành cho những người muốn vẽ cho tiểu thuyết hay trở thành họa sỹ minh họa. Khi vào cao đẳng, tôi đã bước đầu trở thành mangaka ở một mức độ nào đó, nếu học khóa đào tạo mangaka sẽ khá kỳ quặc… (cười). Dù vậy, tôi đã học được khá nhiều. Hàng ngày tôi làm các bài tập khổ lớn với bút chì màu. Lúc đó, tôi rất thích các minh họa của Yamagata Atsushi. Lý do tôi chọn Comic GENKi để gửi bài dự thi chính vì tôi say mê OVA “THE Hakkenden” mà Yamagata thiết kế nhân vật… Hơn nữa, tôi cũng thích “Nansou Satomi Hakkenden” đăng dài kỳ trên Comic GENKi. Đây là tạp chí manga duy nhất mà tôi mua lúc đó.
4. Sensei có lời khuyên nào dành cho những bạn muốn trở thành mangaka?
[Minekura]: Điều quan trọng là bạn phải “quyết tâm” và “thực hành”. Vẽ manga là một công việc gian khổ cả về thể chất lẫn tinh thần. Việc gì cũng có cái khó của nó, nhưng một khi bạn đã quyết đi theo đam mê của mình, bạn phải thực sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Sẽ có lúc bạn cố gắng hết sức nhưng đáp lại chỉ là con số 0 tròn trĩnh, chẳng có sự công nhận nào. Khi chuyện đó xảy ra, bạn không biết phải làm gì và việc vẽ tác phẩm tiếp theo sẽ vô cùng vất vả. Nhưng bạn không được từ bỏ. Bạn cần kiên cường vượt qua cơn bão. Cái này đòi hỏi sức bền giống như trong thể thao vậy. Tôi thường phải nói với mình: “Đứng lên! Đứng LÊN!!” (cười).
Về cơ bản, đây là một công việc đơn độc. Ngoài việc biến chính tên tuổi của mình thành thương phẩm, sẽ có lúc không thể tránh khỏi cảm giác cô đơn, kể cả khi bạn có phụ tá hay không. Để hoàn thành một cuốn manga cần làm rất nhiều việc nhưng cũng lại có dư thời gian và cơ hội để bạn lười biếng. Bạn phải nghiêm khắc với chính mình. Tôi nghĩ nếu bạn không đủ tàn bạo để dồn mình vào chân tường hay không đủ yếu đuối để bị dồn ép, mọi chuyện sẽ khó khăn đấy.
Còn về kỹ thuật thì tôi cũng không phải xuất chúng gì lắm để khuyên nhủ, nhưng nếu bạn kiên trì vẽ, thành quả sẽ xuất hiện. Không gì bằng luyện tập. Bạn phải vẽ, vẽ thật nhiều, kiếm ai đó đọc và nhận xét, bạn sẽ rút ra được nhiều thứ.
Ngoài ra, điều tối cần thiết là “sự trải nghiệm”. Như tôi đã nói lúc đầu, lý do tôi cảm thấy thất bại là do mình thiếu kinh nghiệm. Không có gì tự nhiên được sinh ra. Hãy xem và nghe nhiều thứ, nghiền ngẫm chúng và xây dựng ý niệm riêng cho mình. Dần dần, chúng sẽ thành hình. Mỗi một kinh nghiệm, dù tốt dù xấu, đều là những tài sản quan trọng và không thể thay thế.
Nghe có vẻ nhiều lời nhưng thực sự, tôi chỉ muốn các bạn cố gắng hết mình, tất nhiên là không chỉ những người muốn trở thành mangaka. Có lần, tôi đã thất vọng cùng cực và rất nghiêm túc nghĩ tới chuyện bỏ nghề. Tôi định mở xưởng dạy vẽ bọn trẻ gần nhà, thậm chí còn định vẽ cả tờ rơi. Tôi là kiểu người một khi đã quyết thì làm rất nhanh (cười)… thế rồi, một biên tập viên nói với tôi rằng: “’Tác giả’ không phải là ‘công việc’, đó là một ‘phong cách sống’”. “Ô, gì chứ, anh ta nói nghe như Sanzo!”. Tôi suy nghĩ và lấy lại tinh thần. Với câu nói độc đáo kia, tôi không thể bỏ cuộc, “Được! Mình sẽ làm tiếp!”.
Tôi vốn là người ghét thất bại mà (cười).
[Hết]
Helian (Dịch và Tổng hợp)
-------------------------------------------------------------------------------------------]
Tặng bạn:
Kazuya Minekura Illustration 2011
Đây là một số hình minh họa, bìa truyện và lịch mới nhất (size lớn) cùng một hình các bước tô màu bằng bút copic marker của Kazuya Minekura.
No comments :
Post a Comment
Chỉ cần bạn ở đây là đủ rồi! (•ˇ‿ˇ•)