Triển lãm “Không gian mới của MANGA - Nghệ thuật truyện tranh đương đại Nhật Bản”

Triển lãm thử nghiệm
“Không gian mới của MANGA - Nghệ thuật truyện tranh đương đại Nhật Bản”

Khi lật giở từng trang cuốn manga yêu thích, bạn – với trí tượng tượng phong phú – cùng nhân vật từng bước khám phá thế giới do tác giả tạo nên qua những khung tranh trên giấy thuần túy.

Nhưng, sẽ ra sao nếu bạn được sống trong không gian đó, được thỏa thích ngắm nhìn, tự do đi lại hết thế giới này sang thế giới khác. Bạn đang ở trong một căn phòng sang trọng, cổ điển và dường như nghe thấy âm thanh rì rào của biển vọng lại, bạn tiến lại nơi đó; thoắt một cái, bạn đã thấy mình đứng trên sân khấu như một rock star trước đám đông cuồng nhiệt đang reo hò cổ vũ…

Làm sao để tái hiện lại thế giới tưởng tượng kia từ không gian 2D trên giấy sang không gian thực tại 3D mà không làm mất đi sự tinh tế, sống động, đẹp như mơ và tràn đầy cảm xúc của manga?
Manga Realities


Hãy đến với triển lãm thử nghiệm về “Không gian mới của Manga – Nghệ thuật truyện tranh đương đại Nhật Bản” do Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản hợp tác với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam để có được câu trả lời cùng những trải nghiệm đầy bất ngờ thú vị.

Triển lãm tập trung giới thiệu 9 manga nổi bật từ năm 2000 (xem danh sách phía dưới). Có thể nói, đây sẽ là dịp ra mắt chính thức đầu tiên của những tác phẩm này với độc giả Việt Nam vì chưa có tác phẩm nào trong triển lãm lần này được dịch sang tiếng Việt. Triển lãm mở cửa tự do và được trang bị sách hướng dẫn miễn phí để khách tham quan có thể dễ dàng thưởng thức từng không gian riêng biệt.

Sau đây sẽ là thời gian/địa điểm, ý tưởng triển lãm và danh sách chi tiết các manga.



I. THỜI GIAN – ĐỊA ĐIỂM

Tổ chức: Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam
Hợp tác: Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam
Giám tuyển: Mizuki Takahashi (Giám tuyển, Trung tâm nghệ thuật đương đại, Tháp Nghệ thuật Mito)
Thiết kế triển lãm: Hideki Toyoshima (gm projects)
Điều phối phía Việt Nam: Trần Lương (Nghệ sỹ thị giác, giám tuyển)

Khai mạc: 18:00 Thứ Tư, ngày 18 tháng 5 năm 2011
Thời gian: Thứ Năm, ngày 19 tháng 5 - Thứ Năm, ngày 16 tháng 6 năm 2011
Giờ mở cửa: 08:30 – 16:45 (mở cửa vào các ngày lễ và cuối tuần)
Địa điểm: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội)

Mọi thông tin chi tiết và phỏng vấn các chuyên gia, xin vui lòng liên hệ:
Ms. Nhã (098-293-9314) / Mr. Yoshioka (0123-384-4138)
Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam
27 Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội
www.jpf.org.vn

II. Ý TƯỞNG CỦA TRIỂN LÃM

Triển lãm sẽ tập trung giới thiệu về manga (truyện tranh Nhật Bản) và vai trò của nó hiện nay – như một đỉnh cao của sự phát triển trong những thập niên sau thời kỳ hậu chiến. Hầu hết các triển lãm manga thường chỉ chú trọng vào những bức vẽ nguyên gốc của tác giả. Nhưng lần này, với sự hợp tác chặt chẽ giữa tác giả, biên tập viên và những người liên quan đến quá trình sản xuất manga, triển lãm sẽ tạo cho người xem những trải nghiệm độc đáo qua sự thể hiện ba chiều thế giới được mô tả trong chín manga đã được lựa chọn.

Trong những năm qua, nhiều yếu tố từ các hình thức nghệ thuật khác như phim ảnh hay văn học đã được các họa sỹ kết hợp một cách rộng rãi vào tác phẩm của mình. Manga đã hoàn toàn thành công trong việc sử dụng chủ nghĩa biểu tượng và phát tiển thành một ngành công nghiệp văn hóa, vượt xa khỏi trò giải trí đơn thuần dành cho trẻ em. Các đề tài được mở rộng sang các lĩnh vực như thể thao, khoa học viễn tưởng, cờ bạc, tình yêu, bạo lực và tình dục. Nền công nghiệp manga đạt đến đỉnh cao trong những năm 1990. Từ năm 2000, số lượng đông đảo đối tượng độc giả thuộc nhiều thành phần được phản ánh rõ nét qua sự đa dạng hóa thậm chí còn lớn hơn trong hình thức thể hiện và đề tài đến mức không thể nói về “manga” như một khái niệm đơn lẻ và bao quát được nữa.

Những sự thay đổi xảy ra từ năm 2000 bao gồm việc xóa mờ sự phân biệt giới tính và độ tuổi cho từng thể loại manga đã được vạch ra rất rõ ràng trước đó; sự xuất hiện của manga như một phương tiện truyền bá trực tiếp cho từng đối tượng nhân vật cụ thể, thường gắn liền với yếu tố “moe” (sự tồn sùng đặc biệt với một nhân vật nhất định) và “sekai-kei”, thể loại manga mà trong đó, tính cách, sở thích và nội tâm nhân vật chính gắn liền với số phận của thế giới.

Nhưng có lẽ thay đổi quan trọng nhất phải kể tới sự đón nhận rộng rãi của xã hội đối với manga nói chung – cả ở Nhật Bản và trên toàn thế giới. Điều đó thể hiện qua sự bùng nổ thị trường doujinshi (tạp chí/manga tự xuất bản của fan hâm mộ), sự gia tăng đột biến của phim truyền hình và điện ảnh dựa trên manga, sự ảnh hưởng của manga trong nghệ thuật đương đại, sự tăng trưởng thị trường manga xuất khẩu và – như một kết quả tất yếu của những phát triển này – là sự xuất hiện của những luận văn hàn lâm quốc tế về đề tài manga trong các lĩnh vực như nghiên cứu về Nhật Bản, xã hội học, mỹ học và lịch sử nghệ thuật. Để bắt kịp xu hướng yêu thích manga đang tăng nhanh, rất nhiều trường đại học đã mở khoa mới nhằm cung cấp những kiến thức chi tiết về lý thuyết và thực hành. Lần đầu tiên, manga được được công nhận như một trong những loại hình văn hóa đương đại hàng đầu Nhật Bản.


Các họa sỹ manga đã làm thế nào để diễn giải được sự thay đổi của một ngày? Họ đã sử dụng phương tiện 2D cơ bản của mình ra sao để đặc tả mối tương quan phức tạp giữa không gian và thời gian? Triển lãm sẽ chú trọng vào việc xem xét tất cả những thay đổi đã xảy ra trong hơn thập kỷ vừa qua và đặt các tác phẩm trong những không gian ba chiều để nêu bật những thách thức mà những họa sỹ truyện tranh đương đại đang đối mặt cũng như những trải nghiệm khác biệt mà họ có được sau khi vượt qua những thách thức đó. Sự kiện lần này còn hơn cả một cuộc triển lãm vì nó là một không gian thử nghiệm lưu giữ một kỳ quan, một trong những loại hình nghệ thuật có tiềm năng và quan trọng nhất Nhật Bản, đó là Manga.

III. DANH MỤC CÁC TÁC PHẨM TRƯNG BÀY

1. Số Năm (Number Five – Matsumoto Taiyo)
“Số Năm” được đăng thường kỳ trên IKKI, ấn phẩm phụ của Spirits, và trên nguyệt san IKKI (Nhà xuất bản Shogakukan) trong khoảng thời gian từ 2002 đến 2005. Câu chuyện xảy ra tại một nơi xa xôi ở tương lai, nơi mà công nghệ sinh học sản sinh ra những người máy có nhân tính với năng lực siêu phàm. “Số Năm” là truyện tranh điện tử đầu tiên do nhà xuất bản Shogakugan phát hành cho dòng “iPad” của hãng Apple ở Nhật, Mỹ và Canada.

2. Thế giới chỉ có Thánh thần biết (The World God Only Knows - Wakaki Tamiki)
“Thế giới chỉ có Thánh thần biết” bắt đầu được đăng dài kỳ trên tuần báo Shonen Sunday (Nhà xuất bản Shogakukan) vào năm 2008. Về cơ bản đó là một câu chuyện hài hước về tình yêu nhưng được biến đổi với nhiều cấp bậc khác nhau để mô tả những tình huống trong cuộc sống đương đại, ví dụ như mối quan hệ giữa thế giới tưởng tượng và thế giới thực trong truyện tranh, tính thực tế của các nhân vật, khái niệm “moe” (chủ nghĩa yêu thích một số nhân vật điển hình) và sự bùng nổ của những trò chơi mô phỏng tình yêu. Qua đó, bao quát được sự phức tạp trong việc thể hiện manga và những chủ đề nổi lên từ những năm 2000.

3. Những đứa con của Hải thú (Children of the Sea - Igarashi Daisuke)
“Những đứa con của Hải thú” từ năm 2006 cho đến bây giờ vẫn được đăng thường niên trên nguyệt san IKKI (Nhà xuất bản Shogakukan). Tác phẩm này đã được dịch và xuất bản ở nước ngoài, bao gồm Hàn Quốc và những quốc gia ở Bắc Mỹ. Câu chuyện kể về sự gặp gỡ giữa một cô gái ngây thơ và hai chàng trai xa lạ trong khung cảnh của thế giới rộng lớn trong lòng biển khơi, với những sự kiện bí ẩn xung quanh nhà sinh vật học đại dương, đưa độc giả vào những cảnh tượng kỳ ảo.

4. Thần chú “Sugar Sugar Rune”(Sugar Sugar Rune - Anno Moyoco)
"Thần chú “Sugar Sugar Rune” được đăng thường kỳ trên tạp chí manga Nakayoshi dành cho học sinh cấp một (Nhà xuất bản Kodansha) trong khoảng thời gian giữa năm 2003 và năm 2007. Câu chuyện kể về hai người bạn thân Chocolat và Vanilla vì muốn trở thành Nữ hoàng kế nhiệm của Thế giới Ma thuật mà quay mặt thành kẻ thù. Tác phẩm đã nhận được giải thưởng Truyện tranh dành cho trẻ em của Nhà xuất bản Kodansha vào năm 2005 và được dựng thành phim hoạt hình dài tập trên truyền hình cùng năm đó.

5. BECK (BECK - Harold Sakuishi)
“BECK” được đăng dài kỳ trên tạp chí tháng Shonen (Nhà xuất bản Kodansha) trong 9 năm từ 1999 đến 2008. Sakuishi tận dụng sự im lặng vốn có trong manga và thúc đẩy người đọc tưởng tượng về “những âm thanh đặc tả” bằng việc sử dụng các từ tượng thanh, hoặc dùng cả trang giấy để mô tả đậm nét những người biểu diễn. Bộ phim “BECK” do người thật thể hiện đã ra mắt vào mua thu năm 2010.

6. Khúc ca Nodame (Nodame Cantabile - Ninomiya Tomoko)
“Khúc ca Nodame” đã được đăng thường kỳ trên nguyệt san dành cho nữ giới Kiss (Nhà xuất bản Kodansha) từ năm 2001. Tuyển tập những CD chơi lại những bài hát xuất hiện trong tác phẩm đã được phát hành, đồng thời dàn nhạc trong truyện tranh đã được lập nên trên thực thế và trình diễn ở các buổi hòa nhạc. Tác phẩm này là một ví dụ điển hình về truyền thông hỗn hợp, đưa thế giới trong truyện tranh ra thực tế dưới nhiều hình thức khác nhau.

7. Solanin (Solanin - Asano Inio)
“Solanin” được đăng thường kỳ trên tuần báo Weekly Young Sunday (Nhà xuất bản Shogakukan) trong khoảng thời gian từ năm 2005 đến 2006 và được dựng thành phim do người thật đóng vào tháng 4 năm 2010. Câu chuyện nói về cặp đôi Inoue Meiko, đã đi làm hai năm và Tenada Shigeo, một anh chàng thay đổi công việc xoành xoạch và bạn bè của họ. Những chi tiết đặc tả trong các hình nền của câu chuyện đều dựa trên những cảnh có thật, những nét vẽ phủ bóng dày tông màn hình và sự chăm chút trong những chi tiết vẽ nhân vật đã đẩy tính thực tế của tác phẩm lên cao.

8. Họa ký Một Nghìn Năm (Sennen Gaho – Kyo Machiko)
“Họa ký Một nghìn năm” là tập truyện tranh gồm nhiều câu chuyện nhỏ, và mỗi câu chuyện nhỏ chỉ được mô tả trên một trang giấy được Kyo đã bắt đầu đăng tải trên trang nhật ký cá nhân (http://juicyfruits.exblog.jp/) từ tháng 7 năm 2004. Từ năm 2006 trở đi, câu chuyện bắt đầu chú trọng đến những khoảnh khắc bất kỳ trong cuộc sống đời thường của một nam sinh và một nữ sinh trung học khi họ chạm đến thế giới tưởng tượng của nhau. Ngoại trừ tiêu đề, Nhật ký Một Nghìn Năm, không có những yếu tố tạo nên nhân vật như đàm thoại hay độc thoại, mà lại có bề dài chiều sâu để người đọc tự do diễn giải những khung hình và cách xếp đặt để tưởng tượng ra câu chuyện của riêng mình với “Họa ký Một nghìn năm”.

9. Năm Phút từ Nhà ga (Five Minutes from the Station – Kuramochi Fusako)
Năm Phút từ Nhà ga được ấn hành thường kỳ trên tạp chí Chorus (Nhà xuất bản Shueisha) bắt đầu từ năm 2005. Câu chuyện xảy ra ở một thành phố hư cấu ở Tokyo tên là Hanazomecho, với tâm điểm xoanh quay nhà ga Hanazome. Câu chuyện sử dụng cách kể chuyện của manga thiếu nữ chính thống, với những khúc mắc, lo lắng, và hạnh phúc trong tình yêu với những chủ đề như mất trí nhớ, tình yêu sét đánh, nhưng bên cạnh đó Kuramochi cũng thử nghiệm với những hình thức thể hiện như là đặc tả những chữ viết tràn ngập trên các bảng tin của internet không nhìn thấy bằng mắt thường, vẽ các nhân vật thành những con người có đường nét mơ hồ.
Helian

No comments :

Post a Comment

Chỉ cần bạn ở đây là đủ rồi! (•ˇ‿ˇ•)