[Truyện truyền kỳ] Ueda Akinari - Khăn trùm đầu màu xanh

Dành riêng cho 4
– người vẫn đang lạc bước
trong mê cung tuyệt vọng
của chính mình.

Hãy để những giọt nước mắt
cuốn đi bao u buồn của hiện tại,
giữ lại những tốt đẹp của quá khứ
và đưa ta bình thản đến tương lai.




KHĂN TRÙM ĐẦU MÀU XANH

Nguyên tác: Aozukin – Tác giả: Ueda Akinari
Người dịch: Helian

Giới thiệu

“Vũ nguyệt vật ngữ” (Ugetsu monogatari)1 được Ueda Akinari2 sáng tác và phát hành tại Kyoto vào năm 1776. Đây là một kiệt tác của thể loại truyện truyền kỳ và có sức ảnh hưởng lớn tới các nhà văn thế kỷ hai mươi trong nền văn học Nhật Bản.

Tình tiết của “Vũ nguyệt vật ngữ” phần lớn được vay mượn từ truyện của Trung Quốc. Nhưng nhờ vào sự sáng tạo và giọng văn tinh tế, Akinari đã phóng tác các tích trên thành những câu chuyện xảy ra trong bối cảnh Nhật Bản một cách tài tình và làm giàu chúng bằng các dẫn dắt tâm lý phức tạp, tạo ra chiều sâu cho tác phẩm mà ta không thể thấy được trong nguyên bản.

“Khăn trùm đầu màu xanh”3 là truyện thứ tám trong cuốn này, diễn ra vào mùa thu năm 1471 tới mùa đông năm 1472 tại làng Ohira, huyện Tsuga, tỉnh Shimotsuke4. Mười bảy năm sau khoảng thời gian giả định kia, vào năm 1489, dòng họ Oyama quyền thế tại địa phương đã thỉnh thiền sư Kaian Myokei5 đến làm trụ trì ở Đại Trung Tự6 – một ngôi chùa được xây dựng vào năm 1154 của phái Shingon7 – và biến nơi đây thành thiền viện của phái Sōtō8.

Truyện được dịch sang tiếng Việt từ bản tiếng Anh “The blue hood” trong cuốn "Tales of Moonlight and Rain” do Columbia University Press phát hành.

***

Xưa kia có một vị Thiền sư đức cao vọng trọng xứng danh thánh hiền tên gọi Kaian. Khi vừa đến tuổi trưởng thành, ngài đã thông thạo các giáo lý bí truyền và dành phần lớn cuộc đời trên bước đường vân du hành đạo. Một năm nọ, sau khi trải qua ba tháng An cư Kiết hạ9 tại chùa Ryotai, tỉnh Mino, ngài tiếp tục lên đường và định sẽ trải qua mùa thu tại vùng Ou. Ngài đi mãi, đi mãi và rồi tới tỉnh Shimotsuke.

Thiền sư đặt chân tới làng Tonda cũng là lúc mặt trời xuống núi. Ngài tiến về phía một nhà có vẻ khá giả định xin tá túc một đêm. Vừa nhìn thấy bóng dáng mờ tỏ của nhà sư trong trời chiều nhập nhoạng, những người đi làm đồng về liền thất kinh hét lớn.

“Yêu quái trên núi tới! Mọi người ra đây mau.”

Trong nhà truyền ra tiếng huyên náo, đàn bà trẻ con la khóc, quáng quàng ẩn nấp vào các xó nhà. Chủ nhân tóm lấy chiếc đòn dài chạy vội ra ngoài nhưng ông chỉ thấy một hòa thượng già, xấp xỉ ngũ tuần, đầu trùm khăn xanh thẫm, áo cà sa đen rách nát đang đứng đó với tay nải buộc ngang lưng. Thiền sư giơ thiền trượng lên ra hiệu và nói:

“Thí chủ, sao lại đề phòng như vậy? Bần tăng chỉ là một hòa thượng vân du tứ phương, đứng đây đặng chờ xem có ai thương tình cho tá túc một đêm. Ta không ngờ mình bị nghi kỵ đến thế. Hòa thượng yếu mệt này không thể làm trò trộm đạo được đâu. Xin các ngài chớ nghi ngại.”

Chủ nhà liền ném đòn đi, vỗ tay cười nói: “Bọn gia nhân thật có mắt không thấy thái sơn, đã làm cao tăng hoảng sợ. Thỉnh ngài nghỉ lại ở tệ xá đêm nay để ta có cơ hội tạ tội.” – rồi tôn kính rước thiền sư vào nhà và tiếp đãi bữa tối rất chu đáo.

Sau đó, chủ nhà giãi bày: “Mọi người hoảng sợ khi nhìn thấy đại sư và la hét ‘Yêu quái tới’ thực ra là có nguyên nhân. Đây quả là quái sự. Nhưng dù nó kỳ lạ, hoang đường đến mức nào, xin hãy truyền lại cho những người khác.

Trên núi làng này có một thiền viện. Xưa kia, đó là ngôi chùa của dòng họ Oyama, rất nhiều hòa thượng đức hạnh cao cả đã trụ trì ở đó từ đời này sang đời khác. Vị Ajari10 hiện tại, là cháu ngoại một lãnh chúa, nổi tiếng về học thức uyên bác và tu hành khổ hạnh. Dân chúng trong vùng rất yêu kính và thường xuyên dâng cúng nhang đèn. Ngài cũng thường tới thăm ta và đôi bên là thân giao bằng hữu.

Mùa xuân năm ngoái, ngài được mời đến Koshi làm chủ tế một lễ thọ pháp qui y11 và ở lại đó hơn trăm ngày. Khi trở về, ngài dẫn theo một cậu bé khoảng mười hai, mười ba tuổi – được trụ trì lưu lại bên mình, trực tiếp chỉ dạy. Ta để ý thấy rằng, từ đó, như bị mê hoặc bởi vẻ thanh tú kia, đối với việc tu hành khổ hạnh đã duy trì bấy lâu, ngài bắt đầu đâm ra sao nhãng.

Rồi đến khoảng tháng tư năm nay, cậu bé bất thần lâm bệnh. Mới đầu chỉ là vài triệu chứng nhẹ nhưng sau đó phải nằm liệt giường. Trụ trì buồn thương vô hạn vì cho dù đã mời cả danh y trong tỉnh đến chữa trị nhưng bệnh tình vẫn không khá hơn, ngày càng trở nên nguy kịch. Cuối cùng, cậu bé qua đời.

Cảm thấy như bảo vật của lòng mình bị tước đi, chút hy vọng nhỏ nhoi của đời mình bị bão tố đánh tan nát, trụ trì không còn lệ để khóc than, không còn giọng để kêu hét. Đau đớn tột độ, ngài không cho hỏa táng cũng như chôn cất cậu bé. Ngày lại ngày, ngài ngồi đó, tay nắm tay, mặt kề mặt người đã mất. Chẳng bao lâu, ngài trở nên điên loạn, bắt đầu chơi đùa với tử thi như lúc cậu bé còn sống. Cuối cùng, khi nhận thấy thân thể đẹp đẽ kia dần thối ruỗng mục nát, trong cơn uất hận, ngài ăn sạch xác chết, không chừa một mảnh.

Mọi người trong chùa thấy vậy liền kinh hoàng bỏ chạy, nói rằng trụ trì đã biến thành yêu quái. Từ đó, ngài ấy vẫn lần mò xuống núi hàng đêm, làm dân làng khiếp hãi hoặc đào mộ và ăn những tử thi vừa mới chôn cất. Trước đây, ta vốn chỉ nghe về yêu quái trong các chuyện cổ nhưng giờ thì chính mắt mình trông thấy. Làm sao có thể dừng việc này lại đây? Ngày ngày, dân chúng phải cửa khóa then cài thật chặt từ lúc xẩm tối. Tin đồn truyền ra khắp tỉnh đến mức không ai dám đến nơi này nữa. Việc đại sư bị hiểu nhầm thành yêu quái nguyên do là như vậy.”

Nghe xong, Kaian tiếp lời: “Quả vậy, trên thế gian này không thiếu gì sự lạ. Đại khái có những kẻ lúc sinh ra là người nhưng lại kết thúc cuộc đời trong ngu muội và cố chấp, chỉ vì không thấu hiểu được giáo lý vô biên của Phật Tổ và Bồ Tát. Từ trước tới nay, chuyện về những kẻ bị dẫn dụ bởi nghiệp chướng12 của ái dục và tà niệm thật không thể kể hết. Có kẻ hiện nguyên hình và trút hận lên những người mình oán hay biến thành yêu quái hoặc quỷ xà để trả nghiệt báo13. Cũng có kẻ biến thành yêu quái khi vẫn còn sống như một cung nữ đời Sở biến thành mãng xà, mẹ Vương Hàn thành dạ xoa hay vợ Ngô Sinh biến thành bướm đêm.

Còn nữa, ngày trước, có một tăng nhân trên đường vân du đến xin nghỉ chân tại một nhà nghèo. Ngoài trời mưa to gió lớn, trong cảnh tịch mịch ngay cả một ngọn đèn cũng không có, ngài chẳng thể chợp mắt. Đêm đã khuya, ngài bỗng nghe thấy tiếng kêu ‘be be’ nho nhỏ rồi ngay sau đó là vật gì cứ hít hít mãi vào người mình để xem ngài đã ngủ hay chưa. Trong lòng nghi hoặc, ngài liền nhấc thiền trượng đặt bên gối lên và giáng mạnh xuống. Một tiếng kêu thất thanh vang lên, vật kia ngã gục tại chỗ. Thấy kinh động, bà lão chủ nhà vội thắp đèn mang tới. Khi soi lên, mọi người nhìn thấy một thiếu phụ đang nằm trên mặt đất. Bà lão khóc lóc van xin tha mạng. Ngài ấy còn có thể làm gì đây? Cứ để mọi chuyện như vậy, tăng nhân rời đi. Sau này, khi có dịp qua ngôi làng kia lần nữa, ngài thấy đám đông trên cánh đồng đang túm tụm nhìn một vật gì. Ngài lại gần và hỏi thì được cho hay: ‘Chúng tôi tóm được một ả biến thành yêu quái và đang định chôn nó.’

Tuy nhiên, đa số những chuyện này đều nói về nữ nhân, bần đạo chưa hề nghe về nam nhân. Xét cho cùng, có lẽ do bản tính cố chấp nên nữ nhân mới biến thành những yêu quái ác nghiệt đến vậy. Còn về nam nhân, cũng có một kẻ tên Ma Thúc Mưu14, đại tổng quản của Tùy Dạng Đế, rất thích thịt trẻ con. Hắn bắt cóc con cái nhà thường dân, hấp lên rồi ăn ngấu nghiến. Nhưng đó là một tội ác đáng kinh tởm của bọn mọi rợ. Khác hoàn toàn so với trường hợp ngài vừa nói tới.

Vị trụ trì này, sở dĩ biến thành yêu quái, chắc hẳn là do quả báo của kiếp trước. Với những đạo hạnh đã đạt được qua khổ luyện và hết lòng thành tâm phụng sự Phật Tổ, giá như không lưu lại thiếu niên kia bên mình, nhất định ngài sẽ trở thành một cao tăng xuất chúng. Thật đáng tiếc! Vốn là một người trước nay chỉ biết chuyên tâm tu hành đến mức khổ hạnh, giờ lại sa chân vào mê tân15 ái dục, bị nghiệt hỏa vô minh thiêu đốt, có lẽ đó chính là lý do khiến ngài ấy hóa thành yêu quái. Người nào không kiềm chế được bản thân sẽ biến thành yêu ma, người nào chế ngự được bản thân sẽ có cơ thăng thiên thành phật. Trụ trì của ngài là một minh chứng vậy.

Do đó, nếu bần tăng có thể khuyến dụ và dẫn dắt ngài ấy trở về với bản tính trước kia thì cũng coi như có thể báo đáp thịnh tình tối nay của ngài.”

Chủ nhà nghe được ý định cao quý, liền vui mừng đến rơi lệ, cúi đầu lạy tạ: “Nếu đại sư có thể hoàn thành việc này, hẳn dân chúng quanh đây sẽ như được tái sinh nơi miền Cực Lạc.”

Chẳng ai nghe thấy một tiếng tù và hay chuông báo ở thôn làng trên núi này nhưng khi thấy ánh trăng hạ tuần sáng tỏ xuyên qua khe cửa, họ biết đêm đã về khuya.

“Vậy, mời đại sư đi nghỉ.” – chủ nhà hướng thiền sư cúi chào rồi đi về tẩm thất.

***
Ngày hôm sau, Thiền sư một mình lên núi.

Ngôi chùa gần như bỏ hoang vì không ai qua lại, gai góc bám đầy cổng tam quan, tàng kinh các bị rêu mốc bao kín. Các pho tượng Phật nghiêng ngả vào nhau do mạng nhện giăng còn hộ ma đàn16 phủ đầy phân én. Chính điện, các dãy hành lang và trai phòng cũng trong cảnh điêu tàn đổ nát.

Tịch dương xế bóng về phía tây, Thiền sư Kaian tiến vào chùa rồi khua cây tích trượng lên ra hiệu.

“Xin cho hòa thượng vân du tứ phương này tá túc một đêm.”

Ngài gọi tới, gọi lui một hồi mà vẫn không có lời hồi đáp. Cuối cùng, từ phía tẩm thất, một nhà sư thân hình gầy gò tiều tụy hiện ra, lảo đảo tiến lại, giọng nói khản đặc:

- Ngài đi đâu mà lại tới đây? Vì cớ này cớ khác, ngôi chùa này đã lâm vào cảnh hoang phế, như ngài thấy đấy, nó đã trở thành đầm hoang không người ở. Ta một hạt gạo cũng chẳng có và không thể chuẩn bị chỗ cho ngài qua đêm. Xin ngài nhanh chóng quay xuống làng.

- Bần đạo đến từ tỉnh Mino và đang du hành tới Michinoku17. Khi đi ngang qua ngôi làng phía dưới liền bị thu hút bởi núi non tươi đẹp, suối trong róc rách nên lạc bước tới đây. Giờ mặt trời sắp lặn, đường về làng lại xa và nguy hiểm. Thỉnh ngài cho ta ở lại đêm nay.

- Chốn hoang vu hay xảy ra sự chẳng lành. Ta không khuyến khích ngài ở lại cũng không thể bắt ngài rời đi. Xin cứ tùy ý.”

Kaian lặng lẽ tiến đến ngồi bên cạnh trụ trì. Cả hai không nói thêm lời nào nữa. Mặt trời đã khuất hẳn, bóng tối nhanh chóng bao trùm. Ngay một ngọn đèn cũng không được thắp lên, Thiền sư chẳng nhìn thấy gì, chỉ có thể nghe thấy tiếng suối róc rách gần đó. Trụ trì quay về tẩm thất và không gian rơi vào tĩnh lặng.

Đêm đã khuya trăng mới lên. Trăng sáng lung linh chiếu rọi khắp mọi ngóc ngách của miếu đường. Qua nửa đêm, trụ trì lại xuất hiện, nhưng lần này vội vội vàng vàng như đang khẩn trương tìm kiếm điều gì. Không tìm thấy bèn gào lên: “Cái gã hòa thượng chết tiệt đó trốn đâu rồi? Đáng lý hắn phải ngồi ngay đây chứ.” Hắn chạy qua chạy lại trước mặt Thiền sư vài lần nhưng không hề trông thấy gì cả. Dường như hắn muốn lao ngay tới chính điện, nhưng rồi lại quành ra sân nhảy múa điên cuồng, sau cùng ngã sấp xuống vì kiệt sức.

Bình minh lên, mặt trời sáng tỏ. Như người vừa tỉnh dậy sau cơn say túy lúy, hắn ngây sững khi nhìn thấy Thiền sư vẫn ngồi y nguyên chỗ cũ. Toàn thân vô lực, hắn lặng lẽ tựa cột, thốt ra một tiếng thở dài rồi không nói gì nữa.

- Trụ trì, sao ngài đau buồn đến vậy? Nếu không đừng được, hãy ăn ta cho đỡ đói lòng. – Kaian tiến lại gần và nói.

- Ngài đã ở đây cả đêm sao?

- Bần đạo đã ngồi đây cả đêm và không ngủ được.

- Ta thật đáng khinh bỉ, lại thích ăn thịt người. Nhưng quả là chưa hề biết mùi vị của phật sống ra sao. Ngài đúng là đức phật. Dù cố thế nào thì với đôi mắt tối tăm của loài cầm thú, ta cũng không thể nhận thấy sự hiện diện của ngài. Là ta không xứng. – Trụ trì gục đầu, rơi vào yên lặng.

- Theo lời thôn dân, từ khi tâm trí bị rối loạn bởi ái dục, ngài nhanh chóng sa đọa tới mức biến thành ác quỷ. Thật đáng “khinh bỉ” mà cũng thật “bi ai”, đây quả là sự khôn lường của nghiệp báo. Không những thế, ngài còn xuống làng mỗi đêm, làm hại mọi người khiến dân chúng sống không yên ổn. Nghe vậy ta không thể làm ngơ. Ta đặc biệt tới đây để khuyên nhủ và dẫn dắt ngài trở về bản tính khởi nguyên. Không biết ngài có nguyện ý nghe theo lời bần tăng?

- Ngài quả là phật tổ tái thế. Cao tăng, xin ngài chỉ dẫn để ta có thể nhanh chóng thoát khỏi những dục niệm đáng khinh bỉ này.

- Tốt lắm. Nếu ngài nguyện ý, hãy theo ta.

Để trụ trì ngồi trên một phiến đá phẳng trước dãy hành lang, Thiền sư tháo chiếc khăn màu xanh ra rồi đội lên đầu trụ trì và đọc hai câu trong Chứng đạo ca18:
Giang nguyệt chiếu, tùng phong xuy
Vĩnh dạ thanh tiêu hà sở vi 
- Đừng rời đi. Hãy ngồi yên lặng tại nơi này và tìm hiểu ý nghĩa của hai câu thơ trên. Khi đã thấu đạt, dù không cần cố gắng, ngài vẫn có thể tìm lại phật tính19 khởi nguyên của mình.” – Kaian chỉ dẫn tận tình rồi xuống núi.

Từ đó, dân làng thoát khỏi đại nạn. Dù không biết liệu trụ trì còn sống hay không nhưng vì lo sợ, họ ngăn cấm không cho ai lên núi.
***
Một năm nhanh chóng trôi qua.

Những ngày đầu tháng mười mùa đông năm sau, Thiền sư đạo đức cao cả Kaian lại có dịp qua làng khi trở về từ các tỉnh phía Bắc. Ngài dừng chân ở nhà đã cho mình tá túc năm trước và hỏi thăm về vị trụ trì trên núi.

Chủ nhà hồ hởi đón tiếp: “Nhờ đại ân đại đức của cao tăng, yêu quái không còn xuống làng quấy phá. Dân chúng như được hồi sinh ở chốn Cực Lạc. Tuy nhiên, do vẫn sợ hãi nên không một ai dám đặt chân lên núi. Vì thế ta không biết hiện tại ngài ấy ra sao. Nhưng sao ngài ấy vẫn còn sống được? Nhân lúc ngài nghỉ lại đây, thỉnh đại sư cầu kinh cho linh hồn trụ trì sớm được siêu thoát. Tất cả mọi người xin theo ngài.”

“Nếu ngài ấy đã đạt thành chính quả thì ngài ấy chính là thầy ta, tiến trước ta trên con đường chính đạo. Nếu ngài ấy vẫn còn sống thì với ta chính là một đồ đệ. Bất luận ra sao, bần tăng vẫn phải đi thăm ngài ấy.”

Thiền sư nói xong liền lên núi lần nữa. Do không có ai qua lại, mọi lối mòn đều đã biến mất. Ngài khó có thể tin đây đã từng là con đường in dấu chân mình năm trước. Tiến vào chùa, ngài thấy lau sậy mọc um tùm, cao quá đầu người; sương rơi ướt đẫm như một trận mưa thu giá lạnh. Đường đi lối lại không thể phân biệt. Các cửa vào chính điện và tàng kinh các đổ nghiêng ngả. Hành lang nối trai phòng và nhà bếp mục nát vì ngấm nước mưa, bám đầy rêu phủ.

Khi tìm kiếm gần hành lang, nơi trụ trì được căn dặn ngồi đó, ngài thấy một nhân ảnh râu tóc rối loạn đến mức không biết là tăng nhân hay tục nhân. Cỏ dại quấn quanh thân, lau sậy đung đưa trên đầu, người này mấp máy những thanh âm rời rạc, như thể tiếng muỗi vo ve. Thiền sư tiến lại gần và để ý lắng nghe.
Giang nguyệt chiếu, tùng phong xuy
Vĩnh dạ thanh tiêu hà sở vi
Thấy vậy, Kaian lập tức cầm chắc thiền trượng, thốt lên: “Vậy sao, hà sở vi!” và giáng mạnh xuống. Trong nháy mắt, thân ảnh tán đi như tuyết gặp ánh mặt trời, chỉ còn nắm xương tàn và chiếc khăn trùm đầu màu xanh lưu lại trên cỏ. Quả thật, những chấp niệm bấy lâu vẫn mải truy cầu trong lòng trụ trì giờ đã tan biến, chỉ còn những giáo lý chân chính của Phật Tổ ở lại nơi này.

*** 
Cứ như vậy, danh tiếng về đại đức cao cả của Thiền sư vang khắp thiên hạ. Mọi người ca ngợi ngài là “Đạt-ma sư tổ20 tái thế.” Dân làng họp lại, cùng nhau tẩy uế, tu bổ ngôi chùa rồi thỉnh Thiền sư tới làm trụ trì. Chính tại nơi đây, ngài đã thay đổi thiền viện trước kia thuộc về phái Shingon trở thành phái Sōtō. Ngôi chùa thiêng liêng này cho đến nay vẫn thịnh vượng và được trọng vọng.

[Hết]

Chú thích:

1. Vũ nguyệt vật ngữ (雨月物語 / Ugetsu monogatari): Truyện trong mưa và ánh trăng

2. Ueda Akinari (上田 秋成): Thượng Điền Thu Thành (xem tiểu sử tại đây hoặc tiếng việt)

3. Thanh đầu cân (青頭巾): khăn trùm đầu màu xanh lam đậm

4. Nay là tỉnh Tochigi

5. Khoái Am Diệu Khánh (快庵妙慶) (1422 - 1493)

6. Daichuuji (大中寺)

7. Shingon (真言宗 / shingon-shū): Chân Ngôn Tông

8. Sōtō (曹洞宗 / sōtō-shū): Tào Động Tông

9. An cư Kiết hạ: Đức Phật lúc còn tại thế có đặt ra một giới luật: Hằng năm, trong 3 tháng mưa (mùa hè ở Ấn Độ), chư tăng ni không được phép du hành ra ngoài, mà phải trú tại một tự viện để tích cực tu học.

Khi Phật giáo truyền sang Trung Hoa, theo luật Tứ phần và lịch Tàu, mùa An cư lại được ấn định là từ ngày 16 tháng 4 âm lịch (tức là sau ngày Phật Đản) cho đến ngày 15 tháng 7 âm lịch. Đó là truyền thống của Bắc Tông (Trung, Việt, Nhật, Hàn).

Đến ngày cuối cùng của mùa An cư, chư Tăng họp lại, kiểm điểm thành quả, và tụng sám hối nếu có phạm lỗi gì đó trong 3 tháng Hạ, rồi chia tay, xuất viện để đi hoằng pháp khắp nơi.

10. Ajari (阿闍梨/ A Xà Lê / Acharya): Ajari của phái Shingon là những vị cao tăng có đầy đủ phẩm hạnh, thành tựu và đã hoàn thành quá trình tu học khổ luyện tại núi Cao Dã (Koya – trung tâm của phái Shingon). Ajari sẽ dìu dắt, giảng giải về giới luật và nghi lễ cho một Sa di hay một Tỳ kheo.

11. Qui y: đem mình nương theo Phật đạo, nghĩa tổng quát là theo đạo tu hành. Người đời, muốn theo đạo Phật thì đến chùa để Hòa Thượng trụ trì làm lễ thọ " Tam qui, Ngũ giới".

12. Nghiệp chướng: (Nghiệp - Tiếng nhà Phật, chỉ con đường đi từ Nhân tới Quả, Chướng: ngăn trở) là sự ngăn trở của nghiệp.

Những việc làm xấu trong kiếp trước tạo thành Nghiệp ác, làm ngăn trở bước đường tiến thân của mình trong kiếp sống hiện tại, vì nó gây cho mình nhiều rủi ro hay tai nạn.

13. Nghiệt báo: là báo đáp lại nghiệp ác đã tạo khi trước. Sự báo đáp này có thể xảy ra nhãn tiền hay trong một kiếp, hoặc phải chờ đến kiếp sau.

14. Ma Thúc Mưu: Theo “Tùy Dạng Đế Khai Hà Ký” và “Tùy Đường Diễn Nghĩa”, là Đại tổng quản của Tùy Dạng Đế, người chủ trì đào kênh, mắc bệnh phong nghịch, các khớp xương toàn thân thể đau nhức không ngồi dậy được, hễ ngồi thì đầu choáng váng phát nôn mửa. Tùy Dạng đế ra lệnh cho danh y Sào Nguyên Phương chữa trị. Ông xét đoán là “bệnh vào tấu lý, ở tại vùng ức ngực, phải dùng mỡ dê non thắng chín với cơm, ăn sẽ khỏi”. Mới đầu hắn nghe lời dùng dê non, rồi sau bọn người dưới làm chuyện khuất tất, dâng hắn thịt hài nhi, quả nhiên vị khác hẳn. Từ đó, hắn ra lệnh cho dân phu cống nộp hoặc hạ lệnh người dưới đi bắt cóc trẻ nhỏ, mang về luộc rồi xé ra chấm muối.

15. Mê tân: là bến mê, nơi chúng sinh còn mê muội. Đức Phật ví cõi trần là sông mê bể khổ. Sông mê thì có bến mê. Nếu con người biết giác ngộ, lo tu hành, tự giác giác tha, phụng sự chúng sinh, thì khi thoát xác, linh hồn và chân thần được thuyền Bát Nhã đưa từ bến mê sang Giác ngạn (bờ giác), nơi đây hoàn toàn an vui hạnh phúc, không còn phiền não, thoát khỏi luân hồi.

16. Michinoku: là một tỉnh ở phía đông bắc đảo Honshu, ngày nay là các tỉnh Aomori, Iwate, Miyagi, và Fukushima.

17. Hộ ma đàn (tiếng Sanskrit: Homa; tiếng Trung: hộ ma (護摩) chỉ phiên âm, không phải ý nghĩa): Đây là một đặc trưng của Chân Ngôn Tông. Đàn này được lập ra trong nghi lễ “Hộ Ma” – một nghi lễ có nguồn gốc từ Bà La Môn giáo, với mục đích cầu phước, trừ tà… bằng cách dâng cúng lễ vật thông qua thần lửa Agni, tức thiêu đốt những vật phẩm đó.

18. Chứng đạo ca (證道歌 / shōdōka) của thiền sư Vĩnh Gia Huyền Giác (永嘉玄覺, 665-713, đời Đường, Trung Quốc) nói về cảnh giới chứng ngộ.

“ 江月照,松风吹
永夜清宵何所为”

“Trăng sông tỏ, gió tùng lay,
Đêm trường thanh vắng - làm chi đây?”

Có thể giải thích một cách đơn giản như sau:

Trăng trên cao sáng tỏ, chiếu rọi xuống dòng sông. Mặt sông yên tĩnh, nước sông trong lành, bóng trăng hoàn hảo in hình dưới đáy.

Cây tùng đứng hiên ngang giữa trời. Cho dù gió bốn phương tám hướng thổi tới, ngay cả khi không kháng cự, cây vẫn không bị xuy chuyển chút nào.

Trong đêm khuya canh vắng, đối diện với bản thân, như trăng đối sông, như tùng đối gió, nếu lòng phẳng lặng như nước, nếu ý chí kiên định như tùng, lúc đó trí tuệ trở nên sáng láng, ta sẽ thông tỏ mọi điều. Ai cần giải đáp sẽ có đáp án, ai cầu mong Phật sẽ thấy Phật hiện ra trong mình.

Như sông kia không cần phải lên tận trời xanh mới có được trăng, trăng tự tìm tới nó. Khi tâm hồn thanh tịnh thì không còn trở ngại, không cần phải làm gì hết vì tất cả đều đã đầy đủ và sẵn sàng.

19. Phật tính: là tính giác ngộ, mầm lương thiện trong mọi người và mọi vật. Nho giáo gọi là “tính bổn thiện” (Nhân chi sơ, tính bổn thiện). Đó chính là Thiên lương hay Lương tri, mà ai ai cũng đều có như nhau. Nhờ có Phật tính, mọi người đều có thể trở thành bậc Thánh nhân nếu biết tu dưỡng.

20. Đạt ma sư tổ: là Tổ thứ 28 sau Phật Thích-ca Mâu-ni của dòng Thiền Ấn Độ và là Sư tổ của Thiền tông Trung Quốc.

divider

Ngoài lề

Joe Hisaishi - The Sixth Station (Roku Banme no Eki): mp3  |  Flac

Dịch truyện này thật khó. Lần đầu tiên dịch một truyện phương Đông từ một bản tiếng Tây, trong đó còn có khá nhiều thuật ngữ dùng trong Phật giáo mà bản thân nghe xong, dù là tiếng Việt, mặt vẫn cứ đần thối. Tuy cũng là loại “thắp hương cúng cụ” nhưng Helian này chẳng biết gì mấy về đạo Phật cả (vì không theo một tôn giáo nào). Sau khi đọc hết câu chuyện cùng phần chú thích cao chạm trần nhà này, nếu có gì sai sót, mong mọi người góp ý.

Về “Khăn trùm đầu màu xanh”, nếu mọi người đọc và chú ý từng chi tiết rồi hiểu được nhiều ý nghĩa thâm trầm của nó, quả là quá tốt. Còn nếu không, chỉ mong đọng lại trong lòng mọi người hai điều:

- “Người nào không kiềm chế được bản thân sẽ biến thành yêu ma, người nào chế ngự được bản thân sẽ có cơ thăng thiên thành phật.”

- “Giang nguyệt chiếu, tùng phong xuy,
     Vĩnh dạ thanh tiêu hà sở vi”

Ở một số khía cạnh, Phật giáo không quy định hay vạch rõ ranh giới giữa thế nào là “Đúng” và thế nào là “Sai”, không đánh giá bản thân các hành động là “Tốt” hay “Xấu”, mà chỉ đánh giá dựa vào mục đích và kết quả của chúng.

“Hành động đem lại khổ đau và sầu não trong tương lai là hành động không nên làm. Hành động đem lại niềm vui và hạnh phúc là hành động nên làm”

Trong mỗi con người, ai cũng có phần tối, phần sáng. Hiểu mình, chấp nhận được bản thân thì mới có thể kiểm soát tốt được. Đừng so bì, đừng cố chấp. Lúc nào cần nắm giữ phải ra sức giữ gìn vun đắp, lúc nào thấy không thể khiên cưỡng tiếp tục, phải đối diện với thực tế mà dũng cảm buông tay.

Trên đời, ai cũng có lúc phạm phải sai lầm, vô tình hay cố ý. Khi ấy, nếu người đó biết ăn năn hối lỗi thì mong rằng sẽ luôn có một ai đó vẫn tin “bản chất con người là tốt đẹp” mà cho họ cơ hội, chỉ ra cho họ con đường để làm lại từ đầu.

Hãy để những giọt nước mắt cuốn đi bao u buồn của hiện tại, giữ lại những tốt đẹp của quá khứ và đưa ta bình thản đến tương lai.    

Trừ tịch 2011    
Helian.

5 comments :

  1. Ngồi chờ hơn một tháng trời mới thấy bài post mới!
    Nhưng quả thật bài viết của Helian quá dụng công!
    Đáng chờ, đáng chờ...hehehe...
    "dịch chuyện này thật khó" mình cũng cảm nhận được cái khó này... không hiểu sao Helian nỗ lực đến thế... có động cơ gì đây hay muốn thử thách với bản thân mình..hehe
    Phần cuối, Helian nói mình không theo tôn giáo nào..thì càng khâm phục bạn hơn khi bạn đã vượt qua thử thách (do mình đạt ra) hơi bị khó...
    Theo mình nghĩ, tác phẩm đạt tới mức độ kiệt tác chắc có phần do tư tưởng của nó đã vượt quá xa tư tưởng của thời đó, một thiền sư đức hạnh với một dòng tộc danh giá lại có thể biến thành một đại ác ma ư? điều này rất khó chấp nhận trong một xã hội đông phương thấm nhuần Phật giáo, Nho giáo và vua chúa là thiên tử.
    Thậm chí đến tận ngày hôm nay, xã hội ta vẫn còn nhiều e ngại khi nói không tốt về các bậc đức cao vọng trọng mà..hehehhe...
    Cám ơn Helian đã cho mình cơ hội tiếp cận lần đầu tiên với văn học Nhật Bản (mình không thích đọc truyện lắm, nhưng truyện của Helian dịch thì rất ham!)
    Mình theo đạo Thiên Chúa, nhưng cũng nghiên cứu các đạo giáo khác, suy nghĩ của Helian về đạo Phật rất đúng đó!
    Thanks again! Chúc bạn một năm mới có nhiều cái mới, sung sức và may mắn hơn!
    Thế Uy

    ReplyDelete
  2. Ồ, đọc comment của bạn mình khoái lắm :D

    Vừa được chia sẻ vừa được chúc mừng thì còn gì bằng. Năm mới, mình cũng chúc bạn mọi sự như ý.

    Với mình, truyện này có rất nhiều ý nghĩa nên dù khó dịch và mất khá nhiều thời gian tìm hiểu vẫn quyết phải làm.

    Trong đêm sâu khuya khoắt, ngồi dịch mà có cảm giác, qua từng con chữ, tự nhiên thấy bản thân đang đứng trước cảnh sông nước mênh mang trăng sáng vằng vặc. Hòa trong tiếng gió vi vu, vạn vật khe khẽ trở mình. Đứng ở đó rất lâu, chờ đợi cho lòng lắng lại, hy vọng sẽ xuất hiện thứ lâu nay vẫn mãi kiếm tìm.

    ReplyDelete
  3. hì hì. do cái đầu nông cạn, nên đọc xong mình hiểu câu chuyện có nghĩa là : biết sai mà sửa ấy mới đúng là điều đúng đắn... * gãi đầu* ... à wên, mình xí 1 chỗ chờ bài post tiếp của bạn ^^

    ReplyDelete
  4. Cảm ơn bạn đã dịch truyện ngắn này trong bộ Vũ Nguyệt Vật Ngữ, đúng ngay chương manga mình đọc hồi đó trên truyện vnsharing luôn. :) Nếu được bạn có thể dịch hết những truyện còn lại không ạ? :v

    ReplyDelete
  5. Chào Davukhuc,

    Cảm ơn bạn rất nhiều khi đã đọc truyện và hồi đáp. Mình đang dịch một số truyện khác trong "Vũ Nguyệt Vật Ngữ" và đang trong thời gian review trước khi post. Mong bạn tiếp tục theo dõi và đón đọc truyện mới trong thời gian tới nha :D

    ReplyDelete

Chỉ cần bạn ở đây là đủ rồi! (•ˇ‿ˇ•)